Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nước biển dâng, bão lũ bất thường, hạn hán nắng nóng tại nhiều nơi, thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ USD. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thế giới cần nỗ lực nhiều hơn nữa!

Dù không mong đợi, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển, an ninh toàn cầu như năng lượng, lương thực, xã hội, việc làm, văn hoá, kinh tế, thương mại, ngoại giao.

4 CHỈ SỐ NGUY HẠI ĐỀU GIA TĂNG

Báo cáo “Tình trạng Khí hậu toàn cầu 2021” vừa được Tổ chức Khí tượng thế giới công bố cho thấy 4 chỉ số biến đổi khí hậu chính bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt độ đại dương và axit hóa đại dương đều đã tăng lên các mức kỷ lục mới vào năm 2021

Theo báo cáo, 7 năm qua là 7 năm ấm nhất được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với mức trước công nghiệp.

Đây là những dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi trên đất, trong đại dương và trong khí quyển trên quy mô toàn cầu với những tác động có hại và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.

Giáo sư PETTERI TAALAS, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới: “Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta chứng kiến một năm ấm nhất nữa được ghi nhận. Quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra. Mực nước biển dâng, sức nóng của đại dương và quá trình axit hóa sẽ tiếp diễn trong hàng trăm năm nữa trừ khi con người phát minh ra các phương pháp loại bỏ carbon khỏi khí quyển. Một số dòng sông băng đã đạt đến ngưỡng không thể quay trở lại như trước đây và điều này sẽ gây ra hậu quả lâu dài trong một thế giới mà hơn 2 tỷ người đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.”

Tổng Thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: “Báo cáo khí hậu này là một hồi chuông cho thấy con người đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng, sức nóng của đại dương, nồng độ khí nhà kính và tình trạng axit hóa đại dương đều đang thiết lập những kỷ lục mới đáng báo động trong năm 2021. Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi so với tốc độ trước đây, chủ yếu là do sự tan chảy băng ngày càng nhanh. Hiện tượng ấm lên của đại dương đang tăng nhanh trong hai thập kỷ qua, với mức độ ngày càng sâu hơn. Phần lớn đại dương đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng nghiêm trọng vào một thời điểm nào đó của năm 2021.”

GÂY THIỆT HẠI LỚN VỀ KINH TẾ

Thiên tai do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ USD, đe dọa cuộc sống của người dân và gây ra thiệt hại nặng nề cho cuộc sống của con người, đồng thời gây ra những cú sốc cho an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.

Theo một nghiên cứu mới tại 135 quốc gia, ước tính biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại tương đương 4% GDP toàn cầu đến năm 2050 và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều vùng nghèo hơn trên thế giới. Các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka đối mặt với nguy cơ cháy rừng, lũ lụt, bão lớn và thiếu nước, các khu vực Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và tiểu vùng Sahara ở châu Phi cũng phải đối mặt với những thiệt hại đáng kể. Các quốc gia xung quanh đường xích đạo hoặc các đảo nhỏ có xu hướng gặp nhiều rủi ro hơn. Những nền kinh tế nào phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực như nông nghiệp, cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các quốc gia có các ngành dịch vụ lớn. Trong 10 năm qua, chỉ riêng các cơn bão, cháy rừng và lũ lụt đã gây thiệt hại khoảng 0,3% GDP mỗi năm trên toàn cầu
Tổ chức Khí tượng Thế giới ước tính, trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày các thảm họa thời tiết, khí hậu hoặc liên quan đến nước đã khiến 115 người chết và thiệt hại hơn 202 triệu đôla Mỹ.

GIA TĂNG MƯA LŨ CỰC ĐOAN TẠI NAM BÁN CẦU

Các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Weizmann ở Israel, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ và Viện Công nghệ Massachusetts vừa công bố báo cáo cho thấy sự gia tăng đáng kể cường độ các cơn bão mùa đông ở khu vực Nam bán cầu khi biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn biến nhanh hơn dự báo.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh mô phỏng mô hình khí hậu với các quan sát về bão hiện nay, qua đó phát hiện ra rằng cường độ bão do các hoạt động của con người gây ra trong những thập kỷ gần đây đã lên tới mức mà các nhà khoa học dự báo sẽ xảy ra vào năm 2080.

Ông RICK SPINRAD, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ: “Chúng tôi đang dự đoán một mùa bão diễn biến bất thường ở khu vực Đại Tây Dương trong năm nay, khiến năm nay trở thành năm thứ 7 liên tiếp bão lũ bất thường. Sẽ có 14 đến 21 cơn bão được đặt tên, có nghĩa là những cơn bão rất lớn với sức gió lên tới hàng trăm km/giờ.”

Các cơn bão mùa đông tác động đến sự truyền nhiệt, độ ẩm và động lượng trong khí quyển, do đó ảnh hưởng đến các vùng khí hậu khác nhau trên trái đất. Các nhà khoa học dự báo, nếu xu hướng này tiếp diễn thì thế giới sẽ chứng kiến mức độ gia tăng cường độ các cơn bão mùa đông trong những năm và thập kỷ tiếp theo, đây sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với người dân ở Nam bán cầu.

Ông RICK SPINRAD, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ: “Có những yếu tố nhất định thúc đẩy cường độ và tần suất của các cơn bão. Cho dù chúng ta đang ở trong chu kỳ La Nina hoặc chu trình El Nino, thì tác động lên nhiệt độ của biển ở Đại Tây Dương đang cao hơn, gió mùa Tây Phi hoạt động khác thường hơn… cũng sẽ là các yếu tố ảnh hưởng lớn đến tần suất và độ mạnh của những cơn bão.”

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong 20 năm qua, các cơn bão đã trở nên mạnh hơn do sự thay đổi của các luồng phản lực khí quyển trong vài thập kỷ qua, chưa kể những nguyên nhân khác. Theo nghiên cứu, các hoạt động của con người có thể tác động lớn đến Nam bán cầu nhiều hơn ước tính trước đây.

Ông DEANNE CRISWELL, Cơ quan quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ: “Chúng ta không quên rằng chỉ năm ngoái, cơn bão Ida đã tàn phá 9 bang trên khắp nước Mỹ. Nó gây ảnh hưởng đến các cộng đồng ven biển, thành thị và ngoại ô. Vì vậy tất cả mọi người sống ở những khu vực này cần phải luôn sẵn sàng để đối phó với mùa mưa bão bất thường năm nay.”

Các nhà khoa học ước tính, tình trạng ấm lên toàn cầu đang làm gia tăng cường độ và tần suất các cơn bão nhiệt đới lớn. Nghiên cứu so sánh lượng mưa thực tế ghi nhận trong các trận bão gần đây với lượng mưa ước tính không có ảnh hưởng của biển đổi khí hậu trong thời tiền công nghiệp, kết quả mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn và mưa dai dẳng trong thời gian dài là nguyên nhân xảy ra lũ lụt.

NẮNG NÓNG NGUY HIỂM KHẮP NƠI

Những ngày này, người dân các nước châu Âu đang trải qua tình trạng nắng nóng bất thường, và các cơ quan khí tượng dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong suốt mùa Hè tới với nhiệt độ cao kỷ lục.

Theo Cơ quan khí tượng quốc gia Tây Ban Nha AEMET, nhiệt độ tại nhiều khu vực ở miền Trung và Nam của nước này trong ngày 13/6 đã vượt 40 độ C. Đây là đợt nắng nóng trước mùa Hè chưa từng thấy kể từ năm 1981.

Các chuyên gia cho rằng, nền nhiệt tại Tây Ban Nha tăng cao do luồng không khí nóng từ Bắc Phi thổi tới. Nhiệt độ cao bất thường trong nửa đầu tháng 6 xảy ra sau khi Tây Ban Nha trải qua tháng 5 nóng nhất trong ít nhất 100 năm của nước này. Dự báo, thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài tại nhiều khu vực của Tây Ban Nha trong những ngày tới.

Tại Pháp, Cơ quan Khí tượng quốc gia METEO cũng cho biết các khu vực phía Nam nước này sẽ tiếp tục hứng chịu nắng nóng, khiến hạn hán tại nhiều nơi trên cả nước trở nên trầm trọng hơn. Nhiều khu vực của Pháp ghi nhận mốc nhiệt có thể tăng lên tới 38 hoặc thậm chí 40 độ C.

Tại Bồ Đào Nha, thời tiết nóng bức đã diễn ra nhiều ngày, buộc cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo về nguy cơ cháy rừng. Lượng mưa trong tháng 5 thấp hơn nhiều so với bình thường, chỉ đạt 13% lượng mưa trung bình của tháng 5 trong giai đoạn 1971 – 2000. Bồ Đào Nha là một trong số những nước châu Âu đối mặt với cháy rừng dữ dội vào mùa Hè năm ngoái. Hồi năm 2017, cháy rừng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người tại quốc gia này.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lại chứng kiến mưa bão và lũ lụt trong những ngày qua.

Còn tại Mỹ, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ đã cảnh báo một khu vực rộng lớn ở miền Tây Nam nước này như California, Nevada và Arizona có nguy cơ hứng chịu một đợt nắng nóng cực đoan có thể gây chết người khi nhiệt độ dự báo lên đến 47 độ C trong những ngày tới.

Vào thời điểm này hàng năm, các khu vực trên thường ghi nhận thời tiết nắng nóng, tuy nhiên các nhà dự báo thời tiết cho rằng nhiệt độ năm nay sẽ cao hơn đáng kể so với mức trung bình mọi năm. Theo các chuyên gia khí tượng, trong năm nay ở Mỹ đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng nhưng chưa đợt nào khắc nghiệt hay kéo dài như đợt sắp tới. Nếu con người tiếp xúc với ánh nắng quá lâu trong bối cảnh nhiệt độ cao như vậy sẽ cực kỳ nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng nhiệt độ quá cao sẽ gây mệt mỏi cho cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp và tim mạch, thậm chí có thể gây tỷ lệ tử vong cao, tác động đến kinh tế xã hội.

Các đợt nắng nóng hay sự thay đổi nhiệt độ là một trong những hình thái thời tiết tự nhiên, nhưng các nhà khoa học cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra đang làm gia tăng số đợt nắng nóng cực đoan có nguy cơ gây ra nhiều hậu quả tàn khốc.

HẠN HÁN KỈ LỤC KHIẾN HỒ CHỨA NƯỚC THÀNH SA MẠC

Cho tới 20 năm trước, hồ chứa nước ở miền Trung Chile vẫn là nguồn nước chính ở thành phố Valparaiso. Nước trong hồ bằng lượng nước của 38.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic, nhưng nay, lượng nước trong hồ chỉ còn đủ cho 2 bể bơi Olympic. Đáy hồ giờ là đất khô, nứt nẻ, chỉ còn lại xương cá và xương của những động vật tìm đến uống nước mà không có. Theo báo cáo mới nhất từ Công ty vệ sinh Valparaíso (Esval), lượng nước của Peñuelas hiện nay chỉ còn 170.000 m3, bằng 0,2% dung tích 95 triệu m3 ban đầu của nó.

Ông JOSE LUIS MURILLO, Giám đốc Công ty vệ sinh thành phố Valparaiso: “Về cơ bản những gì còn lại một vũng nước, phần lớn là bùn, hoàn toàn không thể sử dụng được. Điều này thật sự đáng quan ngại nếu biết rằng chỉ mới hơn một thập kỷ trước, nó là hồ chứa nước, là nguồn nước duy nhất của cả thành phố Valparaiso rộng lớn. Hạn hán thật sự đáng sợ.”

Hạn hán kỷ lục 13 năm qua khiến lượng mưa ở đất nước Nam Mỹ Chile giảm sút, nhiệt độ không khí cao cũng khiến tuyết trên dãy nũi Andes tan nhanh hơn hoặc bốc hơi luôn, khiến nước đổ về hồ dự trữ giảm. Hiện thủ đô Santiago đã phải lên kế hoạch chưa từng có là có thể phải quy định lượng nước được sử dụng cho người dân.

Ông ALẼ GODOU, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bền vững Đại học Phát triển: “Vấn đề đảm bảo nguồn nước là rất quan trọng vì ngày nay chúng ta đang chứng kiến những tác động đã được dự báo từ 20 và 30 năm trước liên quan đến việc giảm lượng mưa, gia tăng các đợt hạn hán… Ở cấp độ khủng hoảng toàn cầu, một số lưu vực có vấn đề về nguồn nước sẽ dễ bị tổn thương nhất khi đối mặt với tình trạng không có mưa như thế này.”

Các nghiên cứu khoa học cho thấy đằng sau vấn đề hạn hán kỷ lục ở Chile là tình trạng thay đổi mô hình khí hậu trên toàn cầu, tầng khí ozone mỏng đi cùng sự gia tăng của khí gây hiệu ứng nhà kính, khiến bão không còn xảy ra nhiều ở Chile nữa, dẫn đến tình trạng thiếu nước dự trữ.

THẾ GIỚI CẦN NHIỀU HƠN NỖ LỰC ĐỂ HÀNH ĐỘNG

Theo giới chuyên gia, mô hình thời tiết diễn tiến hiện nay phù hợp với những gì các nhà khoa học khí hậu đã dự đoán trước đó do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những hậu quả nặng nề do thảm họa thời tiết hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ chính sách không ưu tiên bảo tồn thiên nhiên trong hàng thập kỷ gần đây.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: “Các nhà khoa học gần đây đã báo cáo rằng, chúng ta có 50% cơ hội để thực hiện mục tiêu tăng 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris trong 5 năm tới. Vậy chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Chúng ta phải cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 để đạt được net-zero vào năm 2050. Và các quốc gia phát triển ít nhất phải hỗ trợ gấp đôi cho các quốc gia đang phát triển để họ có thể thích ứng và xây dựng khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra.”

Ông SELWIN HART, Cố vấn đặc biệt về hành động khí hậu của LHQ:“Biến đổi khí hậu tiếp tục phá vỡ các kỷ lục mới và tất cả các chỉ số khí hậu chính đều đang đi sai hướng. Nếu chúng ta không nỗ lực hành động và đặt ra những tham vọng lớn hơn, cấp bách hơn, chúng ta sắp đánh mất cơ hội giữ cho mục tiêu tăng 1,5 độ C của hiệp định Paris khả thi.”

Tháng 12/2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại COP 21 diễn ra ở Paris (Pháp), đã trở thành một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên sau 3 năm nỗ lực triển khai, năm 2019, thế giới đã chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris, trong khi COP 25 tại Madrid (Tây Ban Nha) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc về trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. COP 26 diễn ra trong bối cảnh thiên tai và thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước, và LHQ hy vọng rằng hội nghị COP 27, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh của Ai Cập, sẽ là bước ngoặt hành động vì khí hậu.

Biến đổi khí hậu đã hiện hữu, tác động trực tiếp đến mỗi quốc gia và từng người dân. Mặc dù các nước trên thế giới có xuất phát điểm khác nhau, có sự phân hóa giàu nghèo nhưng trước vấn đề nhiệt độ nóng lên toàn cầu, tất cả các quốc gia đều phải chung tay, đưa ra những cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu. Một số tiến bộ đang được thực hiện, nhưng vẫn là chưa đủ và những thay đổi cần phải diễn ra nhanh chóng hơn. Trong bối cảnh thế giới có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực để giảm phát thải nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, từ đó xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Thực hiện : Hồng Nhung (THQH)