(TN&MT) – Thiên tai là loại hình gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi quốc gia, người dân ở mọi địa hình, khu vực và không báo trước cho bất cứ ai. Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan và gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trong bối cảnh đó, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, từ đó dự báo sớm thiên tai được coi là chìa khóa giúp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Thiên tai cực đoan, gây thiệt hại lớn

Thực tế cho thấy, cuộc sống của người dân chịu sự tác động rất lớn từ thiên tai. Tài sản cả đời làm lụng tích cóp, khi trải qua một trận lũ lụt, hay lũ quét, sạt lở đất bỗng chốc mất tất cả. Do vậy, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ cảnh báo tiên tiến, ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra là nhiệm vụ cần đặt lên hàng đầu ở mọi quốc gia.

anh-1(1).jpg
Trận lũ quét lịch sử đã gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào tháng 10/2022. 

Thời gian qua, thế giới đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng với cường độ và mức ảnh hưởng hiếm có, cùng với những đợt nắng nóng và các trận lũ, lụt diễn ra bất thường tại nhiều quốc gia. Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re đã công bố, thiên tai trên thế giới gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 72 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Hệ thống thông tin về cháy rừng của Châu Âu (EFFIS) thông báo, tính đến thời điểm giữa tháng 8/2022, mặc dù mùa hè ở Châu Âu chưa kết thúc nhưng hiện kỷ lục về các vụ cháy rừng ở khu vực này đã phá vỡ kỷ lục về số vụ cháy rừng với gần 660.000ha rừng bị phá hủy kể từ tháng 1/2022.

Tại Châu Á, Hàn Quốc trong tháng 8/2022 đã phải đối mặt với trận mưa to lịch sử trong suốt 115 năm qua gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Ngày 14/8/2022, Trung Quốc tiếp tục phát tin cảnh báo đỏ về nắng nóng, đây được coi là mức cảnh báo nghiệm trọng nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp độ theo màu của nước này. Tại Việt Nam, năm 2017 và 2020 ghi nhận nhiều đợt thiên tai và thiệt hại lớn về người và tài sản. Năm 2017 có 386 người chết và mất tích, thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng; năm 2020 có 357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.

Thống kê từ Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn ATNĐ; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông… Thiên tai đã làm 139 người chết, mất tích; 211 người bị thương; 630 nhà sập; 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái; 247.460 ha lúa, hoa màu và 44.795 ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 21.258 con gia súc, 468.047 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Thiệt hại ước tính trên 5.167 tỷ đồng.

Tổng hợp phân tích của giới khoa học và truyền thông cho thấy, dù đã áp dụng các hệ thống cảnh báo tiên tiến hơn giúp giảm bớt thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế vẫn rất lớn. Bão, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, động đất, sóng thần, cháy rừng và các hiện tượng nhiệt độ khắc nghiệt ngày càng gia tăng, gây ra thiệt hại lớn sẽ là thách thức lớn nhất đối với con người trong 10 năm tới, đặc biệt tại những nước kém phát triển.

anh-2(1).jpg
Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về người và tải sản của ngưởi dân. 

Đổi mới công nghệ, thúc đẩy công tác dự báo sớm

Để ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác dự báo sớm là rất quan trọng. Dự báo sớm để có hành động sớm là giải pháp quan trọng nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, cơ quan dự báo KTTV cũng đang chuyển dần sang dự báo tác động, chỉ rõ các tác động của từng loại hình thiên tai đến cuộc sống con người để chủ động ứng phó, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nay, chúng ta có thể cảnh báo sớm xu thế hạn mặn từ 3 – 6 tháng, dự báo trước không khí lạnh từ 3 – 5 ngày, cảnh báo trước các đợt mưa lớn diện rộng từ 3 – 5 ngày… Tuy nhiên, với hiện tượng mưa lớn cục bộ, để đưa ra được một lượng mưa cụ thể, chỉ có thể đưa ra cảnh báo trước từ 24 – 48 giờ. Điều này không chỉ khó với cơ quan dự báo của Việt Nam mà ngay cả các cơ quan dự báo tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản cũng gặp phải.

“Với cảnh báo mưa gắn với áp thấp nhiệt đới, Nhật Bản đưa ra các cảnh báo khả năng xảy ra mưa trước 48 giờ, và trước 24 giờ đưa ra lượng mưa cụ thể ở từng vị trí để cảnh báo tác động lũ quét, sạt lở đất. Như vậy để thấy, việc cảnh báo thì càng xa càng tốt, dễ đề phòng; còn các hành động gắn với công tác ứng phó như di dời dân thì chúng ta cần dựa vào các bản tin ngắn hạn từ 24 – 48 giờ”, ông Mai Văn Khiêm cho biết.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cho biết, hiện nay, chúng ta đang chuyển dịch dần sang dự báo tác động. Theo đó, công tác dự báo sẽ không đi sâu, cụ thể nhiệt độ thế nào, mưa thế nào mà tập trung cảnh báo hiện tượng thiên tai như vậy sẽ tác động đến cuộc sống bà con, môi trường, sinh kế, xã hội như thế nào. Ví dụ, khi có mưa lớn thì tác động của nó là lũ, ngập lụt; ngập ở đâu, sâu bao nhiêu – đó là tác động. Lũ quét, sạt lở đất cũng là tác động của mưa lớn. Trong các tình huống mưa lớn như thế, có bao nhiêu huyện nằm trong vùng mưa, bao nhiêu người dân nằm trong vùng ngập lụt? Đó là các thông tin mà cơ quan dự báo phải đưa ra.

Phân tích thêm về công tác dự báo sớm mưa lớn ở nước ta hiện nay, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh, độ chính xác trong dự báo mưa trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng phụ thuộc vào thời hạn dự báo (trước bao nhiêu lâu) và loại hình mưa (mưa, mưa lớn, mưa rất lớn, mưa xảy ra ở diện hẹp có tích chất cục bộ…).

Đối với hạn dự báo cực ngắn trước khoảng 6 – 12 tiếng, công nghệ chính hiện nay dựa trên các hệ thống quan trắc vệ tinh và radar với tần suất dữ liệu cập nhật liên tục từ 5 – 10 phút. Kết hợp với các hệ thống quan trắc mưa tự động có thể giúp cảnh báo sớm các hiện tượng mưa cục bộ do dông gây ra trước 1 – 3 tiếng với độ chính xác đạt trên 70%.

anh.jpg
Việt Nam hiện trang bị hệ thống rada hiện đại, giúp cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai. 

Đối với dự báo ở các hạn dài hơn từ 3 – 10 ngày, công nghệ dự báo mưa hiện nay chủ yếu dựa trên công nghệ dự báo thời tiết số (các hệ thống mô hình hóa khí quyển thực hiện trên các siêu máy tính) cho phép đưa ra các cảnh báo sớm với độ tin cậy cao về các đợt mưa lớn mang tính chất điển hình, xảy ra trên một vùng diện tích rộng lớn (một vài tỉnh trở lên).

Hiện nay, ngành KTTV đã có rất nhiều tiến bộ trong công tác dự báo mưa lớn diện rộng. Các đợt mưa lớn diện rộng đều được dự báo trước từ 2 – 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%, một số trường hợp có khả năng cảnh báo mưa lớn trên diện rộng từ trước 5 – 7 ngày. Thông tin dự báo các đợt mưa lớn diện rộng có độ tin cậy cao về thời điểm xảy ra mưa lớn, khu vực có khả năng xuất hiện mưa lớn, thời điểm kết thúc mưa lớn. Những thông tin dự báo, cảnh báo sớm về các đợt mưa lớn diện rộng là đầu vào quan trọng để ngành KTTV ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sớm về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt,… Các thông tin cảnh báo sớm như vậy đều được chuyển đến các cơ quan hữu quan và người dân để có thể xây dựng các phương án chủ động ứng phó.

Mỗi năm, thiên tai đã gây thiệt hại về vật chất cho nước ta hàng tỷ USD. Nhiều người dân sau trận thiên tai đã mất đi tất cả. Do đó, công tác dự báo sớm hiệu quả có thể giúp người dân, đặc biệt là người dân sinh sống tại các khu vực miền núi, nơi có đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn giảm được gánh nặng tổn thất do thiên tai gây ra. Giúp họ ổn định cuộc sống, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguồn: Tổng hợp