Chính phủ New Zealand ngày 14/2 ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ ba trong lịch sử khi cơn bão Gabrielle quét qua Đảo Bắc nước này gây lũ lụt, sạt lở đất và sóng lớn diện rộng, buộc người dân phải sơ tán khẩn cấp.

Sau khi đưa ra quyết định nêu trên, Thủ tướng Chris Hipkins cho biết với các phóng viên: “Đó là một đêm dài đối với người dân cả nước, đặc biệt là tại vùng thượng Đảo Bắc… Nhiều gia đình phải di dời, nhiều ngôi nhà không có điện, thiệt hại lớn được ghi nhận trên cả nước”.

Trước đó, ngày 13/2, Thủ tướng Chris Hipkins đã thông báo gói hỗ trợ trị giá 7,25 triệu USD để giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng của cơn bão.

Bão Gabrielle đang cách Auckland 100km về phía đông, gần bờ biển phía đông của Đảo Bắc và được dự báo ​​sẽ di chuyển theo hướng đông – đông nam, gần như song song với bờ biển.

tm-img-alt
Sóng lớn đánh vào bờ biển thành phố Auckland. Ảnh: AP

Bộ trưởng phụ trách tình trạng khẩn cấp New Zealand Kieran McAnulty cho biết, nước này trong giai đoạn tồi tệ nhất của cơn bão và theo dự báo mưa và gió lớn sẽ tiếp tục xuất hiện. Cũng theo ông McAnulty, New Zealand đang đối mặt với tình trạng ngập úng và sạt lở trên diện rộng, nhiều tuyến đường và kết cấu hạ tầng bị hư hại.

tm-img-alt
Đường sá bị hư hại nặng nề tại New Zealand. Ảnh: Stuff

Khoảng 46 nghìn hộ gia đình đã rơi vào tình cảnh mất điện trong ngày hôm qua. Hãng hàng không quốc gia Air New Zealand cho biết, đã hủy hơn 500 chuyến bay, gây ảnh hưởng đến 10 nghìn khách quốc tế.

Một số khu vực như Gisborne Tairawhiti còn bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ, khiến người dân rơi vào cảnh mất điện và không có sóng điện thoại. Lực lượng Cứu hỏa và Cứu hộ New Zealand cũng không thể liên lạc được với các nhân viên đang hoạt động ở khu vực này.

Tại thành phố Hastings, người dân buộc phải sống tạm trên nóc nhà do mực nước dâng cao. Trong khi đó, tình trạng sạt lở đất đã phá hủy hệ thống đường sá tại khu vực bờ biển phía tây thành phố Auckland.

tm-img-alt
Sạt lở tại thành phố Auckland, ngày 12/2/2023. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan dự báo thời tiết New Zealand cho biết, thời tiết khắc nghiệt sẽ kéo đến vùng thượng Đảo Nam. Sức gió có thể vượt 150km/giờ khi đi qua biển Tasman.

Các nhà chức trách đã sơ tán các khu định cư ven biển và vẫn tiếp tục yêu người dân di dời do mực nước của các dòng sông tiếp tục dâng cao. Nhiều tuyến đường đang phải đóng cửa, dịch vụ điện thoại di động ngừng hoạt động và một số thị trấn bị cắt điện.

Ông Hipkins cho rằng, còn quá sớm để đưa ra thống kê số lượng người dân phải di dời hoặc bị thương. Hiện nhà chức trách New Zealand chưa xác nhận có bao nhiêu người đã thiệt mạng do cơn bão. Cơn bão cũng buộc Quốc hội nước này phải chuyển cuộc họp dự kiến diễn ra chiều 13/2 sang ngày 21/2.

Các phương tiện truyền thông địa phương đã công bố hình ảnh và video cho thấy những ngôi nhà bị cuốn xuống chân đồi, những con đường chìm trong nước và những người ngồi trên nóc nhà bị nước lũ bao quanh.

Đây là lần thứ ba New Zealand ban bố tình trạng khẩn cấp trong lịch sử. Nước này đã có quyết định tương tự sau trận động đất năm 2011 và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020.

(T/h)